Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết: Vốn đã sẵn sàng
Dự án xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết chuẩn bị khởi động. Đây là dự án được nhiều người mong đợi bởi giải tỏa được áp lực xe cho quốc lộ 1, đoạn từ Dầu Giây đi Xuân Lộc, chấm dứt tình trạng các phương tiện hàng ngày lưu thông với tốc độ rùa bò do qua nhiều khu dân cư.
Quốc lộ 1 đoạn từ Dầu Giây đi Xuân Lộc sẽ giảm áp lực xe khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được hoàn thành. Trong ảnh: Một đoạn quốc lộ 1 qua khu vực Dầu Giây thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất.
Dự kiến 36km đường cao tốc từ Dầu Giây đến Xuân Lộc được khởi công xây dựng vào cuối năm nay. Chủ đầu tư đang khẩn trương cho việc giải phóng mặt bằng để khởi công được sớm đoạn đường đi qua “cánh cửa thép” Xuân Lộc này.
* Tách đôi dự án
Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được Bộ Giao thông - vận tải phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan và Ngân hàng thế giới (WB) nghiên cứu chuẩn bị cách đây gần 10 năm (năm 2007). Đến năm 2011, dự án được Bộ Giao thông - vận tải phê duyệt đầu tư và đến năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế quản lý và thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này.
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là một trong 5 tuyến đường cao tốc nằm trong kế hoạch phát triển 2 ngàn km đường cao tốc đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thuộc đề án tái cơ cấu ngành giao thông - vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.
Tuyến đường có tổng chiều dài hơn 101 km (tuyến chính hơn 98 km, tuyến nối với quốc lộ 1 hơn 2,5km) đi qua 6 huyện, thị xã của 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Cụ thể, trên địa phận tỉnh Đồng Nai tuyến đường đi qua các địa phương: Thống Nhất, Long Khánh, Cẩm Mỹ và Xuân Lộc. Ở Bình Thuận, tuyến đường đi qua 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Đây là dự án đường cao tốc đầu tiên được Chính phủ cho thực hiện theo hình thức PPP (công - tư kết hợp). Đến năm 2015, việc gọi vốn cho dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết theo hình thức PPP vẫn chưa khả thi, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho tách dự án này thành 2 hợp phần để đầu tư cho kịp với kế hoạch. Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 1 (thuộc Bộ Giao thông - vận tải) - chủ đầu tư dự án, khẳng định nếu dự án không được tách thành 2 hợp phần sẽ khó đạt được kế hoạch phát triển 2 ngàn km đường cao tốc đến năm 2020.
* Vốn đã sẵn sàng
Theo Ban Quản lý dự án 1, tổng mức đầu tư của dự án đang trình lại Bộ Giao thông - vận tải để phê duyệt điều chỉnh hơn 17.700 tỷ đồng, trong đó hợp phần 1 có mức vốn đầu tư trên 6.200 tỷ đồng (hợp phần 1 có chiều dài 36km từ Dầu Giây đến Xuân Lộc) và hợp phần 2 có mức đầu tư hơn 11.500 tỷ đồng (hợp phần 2 có chiều dài 62km từ Xuân Lộc đến Phan Thiết). Đối với hợp phần 1, Chính phủ cho phép đầu tư bằng vốn vay từ tổ chức IDA và IBRD của WB, và sẽ triển khai trong năm nay. Đối với hợp phần 2 từ Xuân Lộc đi Phan Thiết, Chính phủ giao cho Bộ Giao thông - vận tải tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế đầu tư theo hình thức PPP và dự kiến có thể khởi công vào năm 2018. Ông Nguyễn Xuân Lâm tính toán, nếu hợp phần 1 được khởi công trong năm nay sẽ hoàn thành vào năm 2019. Ông Lâm cũng cho biết thêm, nguồn vốn đã sẵn sàng, điều quan ngại nhất hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng để thi công. Thực tế vừa qua Sở Tài nguyên - môi trường đã trả lại hồ sơ đo đạc địa chính cho Ban Quản lý dự án 1 do diện tích của các huyện đề nghị thu hồi đất sai khác quá lớn so với kế hoạch thu hồi đất năm 2016 được tỉnh phê duyệt.
Để hỗ trợ cho dự án sớm triển khai kịp tiến độ, trong buổi làm việc với Ban Quản lý dự án 1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu chủ đầu tư tách tiểu dự án giải phóng mặt bằng giao cho UBND tỉnh để sớm triển khai việc thu hồi đất, Song song với đó là hoàn thiện các hồ sơ pháp lý.
Theo Báo Đồng Nai